Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên, lao có thể gặp ở tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất và cũng là nguồn lây chính cho cộng đồng. Nước ta hàng năm có hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết do bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Cũng theo báo cáo này thì Việt Nam xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Khác với lao thông thường (lao nhạy cảm), lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao đã kháng với một hay nhiều loại thuốc kháng lao. Bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến, chủng vi khuẩn kháng thuốc này lây cho người khác. Do đó, đã phát hiện những người bệnh nhiễm chủng kháng thuốc ngay lần đầu tiên mắc lao. Theo thống kê của tổ lao Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu số bệnh nhân lao kháng thuốc được điều trị tại địa phương từ năm 2018 đến 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt là: 03 (2018), 09 (2019), 06 (2020), 06 (2021), 05 (9 tháng đầu năm 2022) bệnh nhân. Trong đó số bệnh nhân kháng thuốc lao ngay lần đầu tiên mắc lao có dấu hiệu gia tăng.
Các đối tượng dễ mắc lao kháng thuốc:
- Người từng điều trị lao, nay tái phát trở lại;
- Người mắc bệnh lao nhưng không tuân thủ điều trị tốt;
- Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh lao hoặc lao kháng thuốc như: sống chung nhà, nhân viên y tế,…;
- Người suy giảm miễn dịch như: nhiễm HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, mắc các bệnh mạn tính,…
Bệnh lao và lao kháng thuốc không phải là một bệnh di truyền. Bệnh lao và lao kháng thuốc hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu tuân thủ điều trị, điều trị kịp thời và đúng cách. Hiện tại có 2 phác đồ điều trị lao kháng thuốc theo thời gian điều trị là từ 9 – 12 tháng và phác đồ 18 – 20 tháng. Tùy theo tình trạng bệnh lý và tình trạng kháng thuốc của từng bệnh nhân để các bác sĩ chuyên khoa hội chẩn lựa chọn áp dụng từng phác đồ cụ thể khác nhau.
Tuy nhiên lao kháng thuốc vẫn khó chữa hơn lao thông thường, tỷ lệ tử vong cao hơn: Thời gian điều trị kéo dài, tốn kém gấp nhiều lần, có nhiều tác dụng phụ và biến cố bất lợi; khó kiểm soát việc lây lan cộng đồng.
Hiện tại nhân lực chống lao của Trung tâm Y tế thành phố Bạc liêu bao gồm 2 cán bộ tổ lao của trung tâm (1 bác sĩ và 1 y sĩ) cùng với cán bộ chống lao ở 10 Trạm Y tế xã (phường) đều được tham gia tập huấn chuyên môn. Hiểu được gánh nặng đó, đội ngũ chống lao Trung tâm Y tế thành phố Bạc Liêu luôn quan tâm chú ý phát hiện sớm các trường hợp mắc lao, đặc biệt là lao kháng thuốc như:
Cán bộ tổ lao YTBL đang tư vấn điều trị lao và lao kháng thuốc
- Đến cộng đồng khám sàng lọc và lấy mẫu đàm để soi nhằm phát hiện sớm lao, tất cả các trường hợp mắc lao mới hay tái phát đều được lấy mẫu đàm gửi tuyến trên để thực hiện kỹ thuật Xpert;
- Nếu phát hiện lao kháng thuốc thì nhanh chóng tiến hành làm thêm các thủ tục khác để gửi bệnh nhân điều trị ở tuyến chuyên khoa một cách nhanh nhất;
- Luôn xem kỹ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được đưa về địa phương điều trị ngoại trú đảm bảo cấp thuốc đúng phác đồ, hướng dẫn cách dùng thuốc đúng, thông báo các tác dụng phụ thông thường và tác dụng phụ nguy hiểm để báo ngay cho nhân viên phụ trách lao, hướng dẫn cách phòng lây nhiễm, động viên tinh thần cũng như thực hiện các xét nghiệm định kỳ cho bệnh nhân để theo dõi điều trị một cách tốt nhất.
Để dự phòng lao và lao kháng thuốc hiệu quả, chúng ta cần:
- Tiêm vaccin BCG cho trẻ em;
- Đảm bảo vệ sinh môi trường: nhà cửa, phòng khám thông thoáng,…
- Bảo vệ gia đình và cộng đồng tránh lây nhiễm bằng các biện pháp phòng hộ cá nhân như: đeo khẩu trang khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi;…
- Tuân thủ điều trị tốt lao và lao kháng thuốc, phát hiện và điều trị sớm lao tiềm ẩn.
Tất cả chúng ta hãy cùng nhau chiến thắng bệnh lao và lao kháng thuốc bây giờ và mãi mãi!
Bs Nguyễn Thị Phụng