Chiều ngày 02/8/2023, Trung tâm Y tế Tp Bạc Liêu phối hợp với Trạm Y tế và Hội phụ nữ Phường Nhà Mát tổ chức buổi tuyên truyền về Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Qua buổi tuyên truyền nhằm cung cấp kiến thức cho các đối tượng là đoàn viên, thanh niên, hội viên hội phụ nữ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về thực trạng MCBGTKS hiện nay, nguyên nhân, hệ lụy và các giải pháp để cải thiện tình trạng này.
(Quang cảnh buổi tuyên truyền Mất cân bằng giới tính khi sinh)
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) phản ánh sự cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này ở mức sinh học thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên.
Vấn đề MCBGTKS thực sự đang trở thành thách thức với công tác dân số tại Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể. Năm 2021, SRB ở mức 112 bé trai/100 bé gái và năm 2022, SRB giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2021 (tương ứng là 111,5 bé trai/100 bé gái so với 112,0 bé trai/100 bé gái). Dù tỷ số này có sự tăng giảm qua các năm nhưng hiện vẫn đang ở mức cao hơn so với mứcbình thường. Năm 2006 có 3/6 vùng MCBGTKS thì đến năm 2021 cả 6/6 vùng đã bị mất cân bằng giới tính khi sinh ở cả thành thị và nông thôn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS tại Việt Nam, nhưng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi vẫn là định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu, bám rễ” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Tiếp đến là việc dễ dàng tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính thai nhi, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi của nước ta chưa phát triển, những chuẩn mực xã hội mới như gia đình qui mô nhỏ, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con là những lý do khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính để sinh con theo ý muốn.
Nếu tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, thậm chí cả an ninh chính trị quốc gia. Tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa và kết quả là họ phải đối mặt với những khó khăn trong việc kết hôn, phá vỡ cấu trúc gia đình, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên, mại dâm khó kiểm soát, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong đó có HIV/AIDS , nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ đã xảy ra và có thể sẽ tăng lên.
Để giải quyết vấn đề MCBGTKS ở Việt Nam hiện nay, phải giải quyết nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng “trọng nam khinh nữ” là việc làm hết sức cần thiết.
Ánh Vương