PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.
Vì vậy, PGS. Tôn khuyến cáo những điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.
Một bệnh nhân bị đột quỵ.
Sau đây là những việc cần thực hiện ngay:
1. Lập tức gọi xe cứu thương: Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất khi người thân của bạn bị đột quỵ. Xe cứu thương 115 sẽ đưa người thân của bạn đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Thêm vào đó, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não.
2. Phải nói “đột quỵ não” với cấp cứu 115: Khi bạn gọi 115 và yêu cầu trợ giúp, hãy thông báo cho người điều hành rằng bạn nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.
3. Phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh: Người thân của bạn có thể không giao tiếp được tại bệnh viện. Vì vậy, trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử...
4. Hãy khuyến khích người bệnh nằm xuống: Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ.
5. Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR): Một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của họ, xem họ có còn thở không. Nếu bạn không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi...
6. Phải bình tĩnh: Cố gắng giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chờ cứu thương 115 đến.
Dấu hiệu đột quỵ: PGS.TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, để xác định dấu hiệu đúng của đột quỵ, những người xung quanh chỉ cần dành 1 phút chú ý và hỏi người bệnh ba từ: nói – cười – chào. 1.Nói: Nếu đứng trước người có biểu hiện của cơn đột quỵ bạn hãy bảo người đó nói. Nếu nói ngọng, khó nói, hoặc không nói được là dấu hiệu báo cơn đột quỵ. 2. Cười: Khi cười người sắp đột quỵ có dấu hiệu méo mồm và cười nhìn dấu hiệu này rõ hơn. 3. Chào: Hãy nói người đó giơ tay chào, nếu không giơ được tay là dấu hiệu cơn đột quỵ. Tóm lại, nếu giơ tay không giữ được, khóe miệng xệ (lệch bên miệng), nói với giọng bất thường hoặc không nói được… thì 90% là đột quỵ. Ngoài ra, người bị đột quỵ còn có các triệu chứng gợi ý đột quỵ: Yếu hoặc tê mặt, tay hoặc chân, đặc biệt một bên cơ thể, rối loạn ý thức, có bất thường về lời nói hoặc sự hiểu biế, bất thường về nhìn ở một hoặc cả 2 bên mắt, mất thăng bằng, chóng mặt hoặc phối hợp động tác, đau đầu dữ dội mà không rõ căn nguyên. |
Nguồn: //danviet.vn/6-dieu-bat-buoc-phai-lam-khi-phat-hien-nguoi-than-co-dau-hieu-dot-quy-502020251210104351.htm